Chiều 16/12, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ ký hợp tác cung ứng và dịch chuyển lao động quốc tế gắn với đào tạo kỹ năng nghề với Tập đoàn cung ứng nguồn nhân lực JHL Việt Nam, nhằm thúc đẩy triển khai “Dự án 30.000 lao động chất lượng cao”.
Phát biểu tại Lễ ký, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh sự cần thiết phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nút thắt cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương cũng như cả nước” (Ảnh: Tống Giáp).
Theo Thứ trưởng, việc ký kết về hợp tác cung ứng và dịch chuyển lao động quốc tế gắn với đào tạo kỹ năng nghề, là hướng đi mới trong hợp tác giữa doanh nghiệp và địa phương, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đây là chủ trương đúng, mô hình này cần nhân rộng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh, trước đây lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo tay nghề, kỹ năng. Hiện nay, để có thu nhập cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế, người lao động cần được đào tạo bài bản về kỹ năng nghề, khả năng ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, để sau khi về nước góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước.
Đơn vị được ký kết cần tính toán chi phí tối thiểu để lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải chịu áp lực về chi phí, từ đó giảm tình trạng vi phạm hợp đồng, bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Tống Giáp).
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, các sở, ban, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, thị, thành phố quan tâm tạo điều kiện cho dự án 30.000 lao động chất lượng cao của tỉnh được thực hiện một cách bài bản, đúng quy trình, đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như của người lao động.
“Sở LĐ-TB&XH cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước và các đơn vị có liên quan của Bộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trong quá trình tuyển chọn “, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu.
Sở LĐ-TB&XH ký kết hợp tác cung ứng và dịch chuyển lao động quốc tế gắn với đào tạo kỹ năng nghề với Tập đoàn JHL (Ảnh: Tống Giáp).
Về phía tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cho biết, Thanh Hóa là tỉnh có dân số đứng thứ 3 cả nước, sau Hà Nội, TPHCM. Dân số trong độ tuổi lao động khoảng hơn 2 triệu người (chiếm 66,6 %); 71% lao động được đào tạo nghề, trong đó 26% cấp chứng chỉ bằng nghề. Hàng năm, tỉnh Thanh Hóa tạo việc làm cho khoảng 60.000 người lao động, trong đó có 10.000 người đi lao động nước ngoài.
Phó chủ tịch tỉnh đánh giá cao công tác xuất khẩu lao động trong những năm qua đã giúp số lượng lớn người lao động có thu nhập cao, trình độ tay nghề được nâng lên. Đặc biệt, nhiều lao động đi làm việc nước ngoài về là lực lượng nòng cốt, là nhà quản lý của các cơ quan doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Ông Lê Đức Giang cũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm làm việc với các huyện, thị, thành phố, lao động có nhu cầu, kịp thời báo cáo với UBND tỉnh những vấn đề vướng mắc, vượt thẩm quyền.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Tống Giáp).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Tập đoàn JHL thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, tạo điều kiện tốt nhất để người lao động Thanh Hóa được đến các thị trường có thu nhập cao và đúng cam kết khi trở về ngoài có thu nhập phải có kỹ năng, trình độ và được cấp chứng chỉ…
Cũng tại Lễ ký, đại diện Tập đoàn JHL cam kết, người lao động thông qua tập đoàn sẽ được đào tạo, từng bước chuyển đổi từ lao động phổ thông sang lao động chất lượng cao. Ban đầu học viên sẽ được đào tạo kỹ năng nghề, ngôn ngữ và hoàn thành nhận chứng chỉ, bằng cao đẳng hệ đào tạo từ xa… Lao động sẽ được cử đi làm việc tại nước ngoài, khi trở về được giới thiệu việc làm, định hướng khởi nghiệp.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến thời gian qua, người lao động dịch chuyển từ các nơi khác về Thanh Hóa rất đông. Đến nay, Thanh Hóa có 205.000 người trở về từ vùng dịch, trong đó có 161.000 người trong độ tuổi lao động. Trước tình hình trên, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH có chương trình giúp người lao động trở về quê.
Cụ thể, động viên những người lao động quay trở lại thị trường lao động tại các nơi mà người lao động đã ký kết; phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn để cung ứng nguồn lao động, dịch chuyển nguồn lao động nơi có nhu cầu lớn để làm việc, ổn định cuộc sống.
Đối với lao động không có nhu cầu quay trở lại nơi cũ, Thanh Hóa sẽ có giải pháp đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với các doanh nghiệp trong tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn đối với người lao động có nhu cầu giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, kết nối cung cầu lao động để người lao động đến với người sử dụng lao động”.
Bình Minh