Nhờ xuất khẩu lao động mà nhiều hộ dân ấp An Thạnh, xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri (Bến Tre) từng bước thay đổi cuộc sống, dần có của ăn của để.
Ngôi nhà mới của ông Ngô Văn Bê được xây dựng từ đồng tiền của ba người con đi xuất khẩu lao động
Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Văn Bê – ấp An Thạnh, xã An Ngãi Trung – trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới. Ba người con ông Bê đều đi xuất khẩu lao động. Hai người con đầu làm cơ khí bên Hàn Quốc, con trai út thì làm hàn, tiện tại Nhật Bản. Chúng tôi đến đúng lúc anh Ngô Đức Bảo (con đầu ông Bê) cắt cỏ về cho đàn bò mà anh nuôi nhờ số vốn tích góp tại xứ người.
Anh Bảo kể sau gần sáu năm đi xuất khẩu lao động miệt mài ở Hàn Quốc anh tích góp được một số vốn để làm chuồng nuôi bò nhằm phát triển kinh tế.Anh Hồ Xuân Sơn, cán bộ LĐ-TB&XH xã An Ngãi Trung, chỉ tay về những ngôi nhà tường vững chắc nối tiếp nhau hồ hởi cho biết: “Khoảng năm năm trở lại đây nhờ thanh niên đi xuất khẩu lao động mà nhiều căn nhà lá rách nát, tạm bợ tại ấp An Thạnh được thay thế bằng nhà tường mái ngói. Nhiều hộ gia đình trước đây thuộc diện hộ nghèo nhưng nhờ con cái tu chí làm ăn bên xứ người nên có tiền xây dựng nhà cửa khang trang”.
Nối gót anh Bảo, hai người con ông Bê là anh Ngô Đức Thuận, Ngô Đức Thọ lần lượt sang Hàn Quốc, Nhật Bản để tìm cơ hội đổi đời. Hiện thu nhập của anh Thuận 135.000 yen (khoảng 28 triệu đồng/tháng), trong khi thu nhập của anh Thọ vào khoảng 1.200 USD (khoảng 25 triệu đồng/tháng).
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Chiến, một trong những hộ nghèo trước đây của xã, nhưng nhờ cho các con đi xuất khẩu lao động sang Nhật nên hiện nay gia đình phấn đấu vươn lên thành hộ khá giả. Xe máy, tủ lạnh, tivi… trong căn nhà khang trang đều mua sắm từ tiền tích góp các con ông chuyển về.
Theo Sở Lao động – thương binh và xã hội Bến Tre, trong 10 năm gần đây toàn tỉnh Bến Tre đã đưa hơn 7.400 lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… Bình quân hằng năm người lao động của tỉnh gửi về nước trên 2.000 tỉ đồng. Trong đó địa phương có người đi làm việc ở nước ngoài cao nhất là huyện Giồng Trôm (1.405 người), ít nhất là huyện Thạnh Phú (550 người). Nhiều lao động là hộ nghèo sau khi đi xuất khẩu lao động trở về nước đã thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu và nhiều người còn trở thành nhà đầu tư, doanh nghiệp.